TIỀM NĂNG KINH TẾ
1. Tài nguyên rừng:
Theo kết quả kiểm kê hiện trạng sử dụng đất đến năm 2010 thì tổng diện rừng trên địa bàn xã là 456,71 ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất là 437,25 ha, đất rừng phòng hộ 19,46 ha phân bố chủ yếu khu vực phía Bắc của xã. Phần diện tích đất rừng sản xuất chủ yếu là diện tích đất trồng rừng với các loại cây chính là keo và bạch đàn; diện tích rừng trên mới được trồng nên trữ lượng gỗ còn thấp. Phần diện tích còn lại là rừng tự nhiên phòng hộ.
2. Tài nguyên khoáng sản
Xã Vạn Phước nói riêng và các xã khu vực phía Bắc Vạn Ninh nói chung được nhiều tài liệu đánh giá là vùng có một số loại khoáng sản và nguyên vật liệu xây dựng như đá xây dựng khá phong phú, có chất lượng tương đối tốt, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, trữ lượng không lớn, khó khai thác do đi lại khó khăn. Một số núi đá có thể khai thác để làm nguyên vật liệu xây dựng, làm đường và làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến xi măng. Địa bàn xã Vạn Phước có diện tích khá lớn có thể khai thác cho sản xuất vật liệu xây dựng.
3. Tài nguyên nhân văn
Cùng với sự hình thành và phát triển lâu đời của vùng Nam Phú Yên (Vũng Rô) và Bắc Khánh Hòa (các xã Vạn Phước, Vạn Thọ, Đại Lãnh,…) đã tạo nên cho Vạn Phước có những nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc mang đậm nét của người dân vùng biển.
Phát huy tinh thần đoàn kết trong chiến đấu, lao động và sản xuất. Đảng bộ và nhân dân các thôn trong xã đoàn kết, tích cực trong lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mang lại thay đổi lớn trong bộ mặt kinh tế của xã, đời sống nhân dân được nâng cao, người dân càng tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng và quá trình điều hành của chính quyền địa phương.
Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông, những nét đẹp của truyền thống văn hóa. Ngày nay Đảng bộ và nhân dân xã Vạn Phước đang ra sức phấn đấu xây dựng xã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của xã nhằm hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh"
4. Cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Kinh tế của xã vẫn chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, năm 2011 giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp chiếm 81% trong tổng giá trị sản xuất của xã, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng chiếm 3,2% và thương mại dịch vụ chiếm 15,9%.
Trong những năm qua cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch đáng kể, năm 2008 giá trị của ngành nông nghiệp chiếm 87,7%, đến năm 2011 chiếm 81%; giá trị ngành công nghiệp – xây dựng cơ bản ổn định ở mức 3,2-3,7%; giá trị ngành Thương mại dịch vụ tăng từ 8,4% năm 2008 lên 25,9 % năm 2011.
Năm 2010 bình quân thu nhập đạt 11,14 triệu đồng/người; năm 2011 đạt 13,96 triệu đồng/người.